Định hướng xây dựng y tế thông minh
Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc định hướng để xây dựng, phát triển đồng bộ và liên thông các ứng dụng trong một cơ sở y tế, và giữa các cơ sở y tế với nhau là một yêu cầu không thể thiếu được.
Dự báo, cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và yêu cầu từ thực tiễn của xây dựng y tế thông minh đã rõ, đòi hỏi các bệnh viện và các cơ sở y tế phải chủ động xây dựng lộ trình và nhất là đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của đơn vị, xác định đối tượng thụ hưởng, xác định những nguyên tắc cần được đảm bảo, xác định những điều kiện không thể thiếu, và xác định ưu tiên những phần mềm ứng dụng cần triển khai thuộc về trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, của các nhà quản lý bệnh viện và các cơ sở y tế.
Xác định đối tượng sẽ thụ hưởng y tế thông minh
(1) Người dân dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn bệnh viện, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến bệnh viện ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được bệnh viện trước đó đã làm,… giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khoẻ của mình, có thể trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị.
(2) Nhân viên y tế được cập nhật thông tin khoa học, dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án trước đây của cùng một bệnh nhân trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một bệnh viện và giữa các bệnh viện với nhau, hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện, dễ dàng tham gia các khoá đào tạo liên tục cập nhật kiến thức từ xa.
(3) Các nhà quản lý bệnh viện giám sát được thời gian thực việc tuân thủ các qui trình kỹ thuật, tuân thủ phác đồ, tuân thủ quy chế kê đơn,…; triển khai “quản lý tinh gọn” nhằm chống lãng phí trong sử dụng thuốc, vật tư y tế tiêu hao; số hoá kho hồ sơ bệnh án; rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chánh cho cả nhân viên y tế và người bệnh; triển khai hệ thống nhắc người bệnh đến tái khám, đến tiêm chủng,…; xây dựng hệ thống khó mắc lỗi, xây dựng hệ thống cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất tai biến y khoa.
(4) Những người công tác trong cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành y tế để ra những những dự báo có cơ sở thực tiễn và chủ động có can thiệp hiệu quả như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố, điều phối tình trạng quá tải tại các bệnh viện, kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân,…
Xác định 3 nguyên tắc cần đảm bảo khi xây dựng y tế thông minh
(1) Phải thống nhất về “ngôn ngữ số” khi xây dung phần mềm ứng dụng, tránh xảy ra không thể liên thông dữ liệu được giữa các cơ sở y tế với nhau sẽ rất lãng phí công sức và kinh phí đầu tư phát triển ứng dụng CNTT của từng cơ sở y tế. Thống nhất “ngôn ngữ số” là yêu cầu mang tính quyết định cho mục tiêu cuối cùng là hồ sơ sức khoẻ điện tử, nếu không bệnh án điện tử chỉ là bệnh án điện tử của riêng một bệnh viện mà không thể liên thông dữ liệu được với các cơ sở y tế khác.
(2) Để phần mềm ứng dụng phát huy hiệu quả mong muốn, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng phần mềm ứng dụng cho các cơ sở y tế đó là phải có sự phối hợp 3 nhà: chuyên gia công nghệ thông tin + nhà quản lý + người sử dụng.
(3) Tham gia xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế là trách nhiệm của mỗi cơ sở y tế khi triển khai các phần mềm ứng dụng của đơn vị mình.
Xác định 2 điều kiện không thể thiếu khi xây dựng y tế thông minh
(1) Đầu tư hạ tầng phần cứng tương thích
- Hạ tầng phần cứng đầu tư hay thuê, phải tính toán đảm bảo hiệu năng xử lý, đảm bảo an toàn trong vận hành không bị sự cố khi gặp lỗi đơn, đảm bảo tính thiết kế kết nối song song và dự phòng (n+1).
- Hạ tầng phần cứng đủ mạnh để ứng dụng các ứng dụng quản lý bệnh viện trên nền tảng IP (Internet protocol) như: tổng đài IP, hệ thống gọi điều dưỡng, nhận diện người bệnh, quản lý âm thanh, ánh sáng, …
- Hạ tầng kết nối các thiết bị di động, giúp nhân viên y tế, thiết bị y tế tương tác chủ động với người bệnh.
(2) Củng cố nhân lực chuyên trách CNTT
- Nhân lực CNTT ngoài kiến thức CNTT phải có kiến thức và am hiểu về các quy trình, nghiệp vụ y tế, kiến thức về BHYT.
Xác định 10 nhóm ứng dụng theo thứ tự ưu tiên cần được nghiên cứu và vận dụng triển khai khi xây dựng y tế thông minh
(1) Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS)
- Chuẩn hóa cở sở dữ liệu, trục thông tin quản lý bệnh viện đảm bảo cung cấp được các thông tin quản lý bệnh viện, đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong quá trình quản lý điều hành bệnh viện. Đáp ứng yêu cầu kết nối các hệ thống khác thông qua chuẩn dữ liệu HL7.
- Đáp ứng đầy đủ thông tin liên thông BHYT, cổng dữ liệu BHYT, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu (theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT).
(2) Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS)
- Chuẩn hóa danh mục xét nghiệm, liên kết với danh mục chỉ định và danh mục viện phí của phần mềm HIS.
- Kết nối và nhận dữ liệu các chỉ định của bác sĩ từ phần mềm HIS.
- Kết nối dữ liệu kết quả xét nghiệm trực tiếp từ các máy xét nghiệm, dữ liệu kết quả được thẩm định và lưu trữ vào phần quản lý kết quả xét nghiệm LIS
- Trả kết quả về hệ thống HIS
(3) Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS)
- Tương tự như hệ thống LIS, có khả năng tương tác với hệ thống HIS (nhận dữ liệu và trả dữ liệu cho HIS).
- Lưu trữ và luân chuyển dữ liệu hình ảnh theo chuẩn DICOM, giao tiếp dữ liệu với hệ thống HIS bằng chuẩn HL7.
(4) Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS
- Kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACS/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân
(5) Xây dựng bệnh án điện tử
- Số hoá hồ sơ bệnh án dựa trên chuẩn dữ liệu y tế HL7 đảm bảo liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế
- Số hoá kho hồ sơ bệnh án đảm bảo lưu trữ và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học
- Nghiên cứu và chọn lựa công nghệ chữ ký số, tiến đến bệnh án điện tử
(6) Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới
- Nhận diện người bệnh, tránh nhằm lẫn thông tin người bệnh, định vị người bệnh trong quá trình điều trị tạibệnh viện qua các công nghệ nhận dạng như: mã vạch, điện thoại thông minh, gIọng nói, khuôn mặt, vân tay, RFID (Radio Frequency Identification),…
(7) Ứng dụng các thuật toán về máy học (Machine Learning)
- Xây dựng các hệ thống nhắc tự động, hệ thống cảnh báo, dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh nhằm tránh ùn tắc cục bộ trong quá trình khám bệnh, chuyển lời đọc thành văn bản trong HSBA điện tử,… bằng nguồn dữ liệu sẵn có của bệnh viện và công nghệ dựa trên các thuật toán về máy học.
(8) Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị
- Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp thông tin hỗ trợ cho nhân viên y tế trong công tác chẩn đoán và điều trị từ việc phân tích và tổng hợp dựa trên kho dữ lớn (big data) về dữ liệu y khoa, phác đồ điều trị của bệnh viện và trên thế giới.
- Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp những thông tin hữu ích đến người bệnh giúp tìm kiếm thông tin cơ bản về bệnh.
(9) Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web
- Xây dựng các ứng dụng tương tác với người bệnh thông qua thiết bị di động, web nhằm kết nối và cung cấp thông tin với người bệnh khi cần thiết;
- Xây dựng các ứng dụng tương tác và trả lời người bệnh (IP: Internet Protocol), ứng dụng công nghệ máy học (ML: Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence).
(10) Đảm bảo an toàn thông tin
- Xây dựng các quy trình, quy định, các chính sách liên quan đến vận hành hệ thống thu thập số liệu phần mềm quản lý bệnh viện từ khâu tiếp nhận bệnh đến xuất viện (nội trú, ngoại trú), kết thúc lần khám (khám bệnh); sử dụng và khai thác thông tin bệnh án điện tử.
- Thực hiện Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND (ngày 24/01/2018) về an toàn, an ninh thông tin trong lĩnh vực vực công nghệ thông tin;
- Áp dụng tiêu chuẩn an toàn, an ninh thông tin theo ISO27001.
Nguồn: Theo medinet.hochiminhcity