BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CU BA
Vì nụ cười của bạn!

Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú

DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ MANG THAI VÀ CHO CON BÚ

 THỰC PHẨM DÙNG CHO BÀ MẸ KHI MANG THAI 

 

Nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng

- Các loại ngũ cốc, khoai củ và các sản phẩm chế biến từ chúng (bánh mì, bánh ngọt...)

- Gạo nên chọn loại gạo tốt, không xay xát quá trắng vì sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt là B1 chống tê phù.

- Ngô, các loại khoai củ cũng là nguồn cung cấp năng lượng nhưng ít chất đạm (P), do đó chỉ nên ăn dưới dạng trộn, không nên ăn trừ bữa. Các bánh ngọt chỉ nên sử dụng làm bữa ăn phụ.

Nhóm thực phẩm giàu đạm

- Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa....

- Các loại đậu( đậu tường, đậu xanh, đậu đen), lạc hạt, vừng.

Nhóm thực phẩm giàu chất béo:

- Mỡ, bơ, các loại dầu thực vật, dầu cá.

- Các loại hạt có dầu, vừng, lạc....

- Các loại thịt nhiều mỡ: thịt sấn, thịt gà cả da, cá mỡ....

Nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và chất khoáng:

- Rau xanh 300 – 400g/ ngày. Các loại rau có lá, xanh đậm.

- Các loại quả chín như: chuối, đu đủ, cam, xoài....

Các thực phẩm cần tránh:

- Không nên dùng các loại chất kích thích như: rượu,cà phê, thuốc lá, nước chè đặc...

- Giảm ăn các loại gia vị như: ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm....

 

 DINH DƯỠNG CHO BÀ MẸ KHI CHO CON BÚ

 

Chế độ ăn của bà mẹ nuôi con bú cần phải đủ để nuôi cả hai cơ thể, đó là chính bà mẹ và cơ thể trẻ đang phát triển với tốc độ nhanh, nhất là trong năm đầu của trẻ.

- Việc tăng tiết sữa của bà mẹ phụ thuộc vào yếu tố ăn uống, nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái của bà mẹ và động tác bú của trẻ.

- Chế độ ăn của bà mẹ ngoài đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng theo nhu cầu còn phải quan tâm đến khẩu vị, yếu tố tâm lý của bà mẹ, tạo cho bà mẹ cuộc sống vui vẻ, thoái mái để tiết được nhiều sữa nuôi con.

+ Nhu cầu năng lượng của bà mẹ cho con bú:

Ngay sau khi sinh con, bà mẹ có chế độ ăn đầy đủ nước và các chất dinh dưỡng, cần ăn đa dạng thức ăn

- Chú ý chọn các loại thức ăn thường dùng trước kia, tránh các loại thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa cho bà mẹ.

- Về năng lượng hàng ngày cần tăng hơn so với phụ nữ có thai khoảng 200kcal cụ thể là khoảng 2100 – 2500 kcalo.

- Protein: 2-3g/kg/24h. số lượng P động vật > P thực vật.

- Glucid: 65- 70%.

- Lipit: 20 – 25%, tỷ lệ acid béo không no > acid béo no.

- Chất xơ và vitamin:  chất xơ từ nguồn gốc rau, quả tươi, trung bình ngày ăn khoảng 400g rau và 300 – 500g quả chín các loại.

- Nước uống: 1,5 – 2 lít/ ngày để tránh thiếu sữa do thiếu nước.

- Số bữa ăn: 3 bữa chính kèm 2-3 bữa phụ.

- Thực đơn cần cân đối, đầy đủ các nhóm thức ăn theo ô vuông thức ăn gồm thức ăn cung cấp năng lượng, giàu béo, đạm, xơ, vitamin và muối khoáng. Không nên kiêng khem quá vì như vậy sẽ thiếu chất và chất lượng sữa của mẹ sẽ kém.

 

ĂN BỔ SUNG

Ăn bổ sung là cho trẻ ăn thêm các thức ăn ngoài sữa mẹ. Trong giai đoạn ăn bổ sung phải cho trẻ quen dần với thức ăn gia đình, ở cuối giai đoạn này (thường khi trẻ được 2 tuổi) sữa mẹ được thay thế hoàn toàn bằng thức ăn gia đình.

Thời gian ăn bổ sung: Trẻ cần được ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đôi khi có thể cho trẻ ăn sớm hơn (4 – 6 tháng) nếu trẻ vẫn còn đói sau mỗi bữa bú, hoặc trẻ không tăng cân.

Thành phần bữa ăn bổ sung phải đủ theo ô vuông thức ăn.

Thức ăn trong 4 ô vuông thức ăn gồm

 

Thức ăn cơ bản:

Ngũ cốc, khoai củ

Giàu đạm:

Thịt, cá, trứng, sữa…

Giàu vitamin và muối khoáng:

Rau, hoa quả.

Giàu năng lượng:

Dầu, mỡ, bơ, đường.

* Trong các bữa ăn bổ sung: các thực phẩm sử dụng phải giàu năng lượng, giàu protein và các vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt, canxi, vitamin A, vitamin C):

- Sử dụng các đạm có chất lượng cao như: sữa bò, trứng, cá, các loại thịt gia súc hoặc gia cầm có màu thẫm.

+ Các thực phẩm có chứa nhiều sắt: Gan, các tạng có màu đỏ thẫm, thịt.

+ Thực phẩm giàu kẽm: lòng đỏ trứng, tôm cua, cá.

+ Thực phẩm nhiều vitamin A: Sữa mẹ, gan động vật, lòng đỏ trứng, các loại quả có màu da cam, rau có màu xanh thẫm.

+ Thực phẩm giàu vitamin C: cam, xoài, dưa, cà chua, rau xanh, xúp lơ…

+ Thức ăn nhiều canxi: sữa và các sản phẩm từ sữa – pho mat, sữa chua, bột, cá

Chú ý:

- Khi bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung cho trẻ ăn từ từ, từng ít một, tăng dần để trẻ quen với thức ăn mới.

- Các thực phẩm cần được nghiền nhỏ trong giai đoạn đầu, sau đó tăng dần độ thô để kích thích mọc răng.

- Cho trẻ ăn ngay sau khi chế biến xong.

- Vệ sinh khi nấu: rửa tay trước khi chế biến thức ăn. Thực phẩm và dụng cụ phải sạch và bảo quản hợp vệ sinh.

* Bữa ăn bổ sung:

Trẻ 6 tháng tuổi: Bú mẹ.

+ Ngày cho trẻ ăn 1 bữa bột loãng 5% 150-200ml

+  Hoa quả nghiền: 20ml

 Trẻ 7 – 8 tháng: Bú mẹ.

+ Ngày ăn 2 bữa bột 10% mỗi bữa 200ml.

+ Hoa quả nghiền: 40ml

  Trẻ 9 – 12 tháng: Bú mẹ.

+ Ngày ăn 3 bữa bột 10%. Mỗi bữa 200ml

* Ngoài các bữa ăn bổ sung cho trẻ tiếp tục bú mẹ khi trẻ muốn.

Nếu trẻ không có sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm 2 bữa phụ (là thức ăn giữa các bữa chính vì vậy các bữa phụ phải chế biến, ngon miệng, giàu năng lượng và giàu chất dinh dưỡng). Các thức ăn phụ có thể là: sữa chua, sữa súp, bánh bích quy, bánh mì, hoa quả nghiền…

 

Bs.Trần Thị Nguyệt Nga (Trưởng khoa nội)