BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CU BA
Vì nụ cười của bạn!

Dị tật tai nhỏ bẩm sinh: Những điều cần biết

DỊ TẬT TAI NHỎ BẨM SINH: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

 

1. Dị tật tai nhỏ là gì?
Dị tật tai nhỏ là một bất thường bẩm sinh của tai ngoài đi kèm với các mức độ tổn thương ống tai ngoài khác nhau. Khi dị tật đi kèm với không có ống tai ngoài sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của bệnh nhân.

Dị tật tai nhỏ thường gặp ở một bên nhưng cũng có thể gặp cả hai bên. Những bất thường về sự phát triển của tai xảy ra trong 3 tháng đầu thai kì là nguyên nhân dẫn đến dị tật này.

2. Dị tật tai nhỏ được chia làm mấy mức độ?

Dị tật tai nhỏ được chia làm 4 mức độ:

Độ 1: Vành tai ngoài bé hơn bình thường nhưng có đầy đủ các thành phần của tai.

Độ 2: Tai ngoài nhỏ và chỉ rõ 1 phần.

Độ 3: Có một vài cấu trúc của vành tai nhưng không rõ vành tai

Độ 4: Không có vành tai( mất toàn bộ tai ngoài)

3. Triệu chứng và nguyên nhân của dị tật tai nhỏ là gì?

3.1 Triệu chứng của dị tật tai nhỏ :
- Bất thường cấu trúc của tai ngoài.

- Không có vành tai.

- Kích thước tai nhỏ hơn bình thường.

Nếu có dị tật tai nhỏ bạn có thể nghe được không?

Bệnh nhân bị dị tật tai nhỏ có thể bị giảm sức nghe ở bên tai bệnh, đặc biệt khi có các bất thường về tai giữa hoặc ống tai ngoài. Tuy nhiên, tai trong vẫn có thể dẫn truyền âm thanh ngay cả trong trường hợp không có ống tai ngoài. Do vậy, phẫu thuật mở ống tai ngoài có thể cải thiện thính lực, hoặc có thể sử dụng các dụng cụ trợ thính.

Nếu trẻ bị dị tật tai nhỏ, bố mẹ nên đưa con khám đánh giá thính lực, bởi kể cả những trường hợp giảm sức nghe ít cũng ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ của trẻ.

3.2 Nguyên nhân của dị tật tai nhỏ:

Còn chưa rõ ràng và thường gặp do sự bất thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kì.

Trong một số trường hợp, dị tật tai nhỏ là một triệu chứng của hội chứng lép nửa mặt. Một số trường hợp có yếu tố di truyền . Tuy nhiên thường là ngẫu nhiên.

4. Làm sao để chẩn đoán dị tật tai nhỏ?

Trẻ được chẩn đoán mắc dị tật tai nhỏ khi sinh ra có những bất thường ở tai ngoài.

Có thể chụp CT scan để đánh giá cụ thể những bất thường về tai giữa và tai trong của trẻ.

5. Điều trị dị tật tai nhỏ như thế nào?

Có các phương pháp điều trị dị tật tai nhỏ như:

5.1 Sử dụng tai giả:

Thường được làm bằng chất liệu silicone và dính vào vị trí tai.

Ưu điểm: tai giả có thể trông giống tai thật và là lựa chọn hoàn hảo khi các phương pháp khác bị thất bại. Sử dụng tai giả, bệnh nhân vẫn có thể bơi hay tắm nắng và nó cũng ít đau đớn hơn so với phẫu thuật.

Nhược điểm: nhiều người khó khăn trong việc thích nghi với bộ phận giả trên người. Một số người khó chịu với keo gắn hoặc hệ thống implant để cố định tai giả. Da xung quanh implant có thể bị nhiễm trùng. Tai giả sẽ bị xuống cấp và cần thay thế theo thời gian.

5.2 Phẫu thuật tạo hình vành tai:

Thường được tiến hành khi trẻ được 8-9 tuổi và thực hiện nhiều thì.

Thì 1: Vành tai được tạo bởi khung sụn được lấy từ sụn sườn của trẻ và chôn xuống vị trí vành tai.

Thì 2: Sau khoảng 3 tháng dựng vành tai và che phủ bằng da ghép.

Thì 3: Chỉnh sửa dái tai và biến dạng khác của vành tai.

Ưu điểm của phẫu thuật: do sử dụng chất liệu tự thân nên khả năng bị thải loại là rất thấp. Sụn sườn có thể chịu được va chạm nên không cần có thêm thiết bị để bảo vệ. Tai được tạo hình bằng sụn sườn giữ được hình dáng suốt đời.

Nhược điểm: Bệnh nhân sẽ đau tại nơi lấy sụn sườn trong giai đoạn đầu. Sẹo và nguy cơ biến dạng nhỏ ở lồng ngực nơi lấy sụn sườn. Tai được tạo hình bởi sụn sườn sẽ thô hơn tai lành do cấu trúc sụn sườn cúng và dày hơn so với sụn vành tai.

6. Bệnh nhân sau mổ được chăm sóc thế nào?

Bệnh nhân sau mổ được dùng kháng sinh toàn thân, giảm đau trong vòng 5-7 ngày. Dẫn lưu thường được rút vào ngày thứ tư

Theo dõi toàn trạng, tình trạng chảy máu và nhiễm trùng tại chỗ.

 

Ths. Bs. Nguyễn Thị Thu Trang - Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ